Cơ thể một người trưởng thành có khoảng 60 – 70% là nước (tỷ lệ này cao hơn đối với trẻ em). Mỗi ngày chúng ta liên tục nạp nước vào và thải nước ra. Chiếm một tỷ lệ lớn như vậy, nước có vai trò gì đối với cơ thể của chúng ta? Và nên uống bao nhiêu nước một ngày là đủ? Cùng LMS – Giảm Béo Chuẩn Y Khoa tìm hiểu ở bài viết này nhé.
1. Vai trò của nước với cơ thể chúng ta
Mọi tế bào trong cơ thể đều chứa nước và ngập trong nước. Để hoạt động bình thường, tất cả các tế bào và cơ quan của cơ thể đều cần nước. Nếu không có nước, cơ thể và các cơ quan không thể hoạt động bình thường. Chúng ta có thể vẫn sống được nếu nhịn ăn 20 ngày nhưng không thể nhịn uống nước quá 3-5 ngày.
Một số vai trò quan trọng của nước trong cơ thể:
1.1. Hỗ trợ vận chuyển dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng cho cơ thể
Trong máu có hơn 90% là nước, uống đủ nước giúp máu đem oxy đi nuôi cơ thể một cách tốt nhất. Nếu thiếu nước, máu sẽ cô đặc, khả năng cung cấp dinh dưỡng oxy cho các bộ phận của cơ thể sẽ suy giảm.
1.2. Tăng cường sức khỏe và vẻ đẹp của làn da
Nước giữ cho làn da trông căng, đẹp và khỏe mạnh. Khi mất nước, da có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn do rối loạn da và sớm xuất hiện nếp nhăn.
1.3. Bôi trơn và đệm các khớp
Các bao hoạt dịch của khớp và đĩa đệm của cột sống chứa khoảng 80% nước. Tình trạng mất nước trong thời gian dài có thể làm giảm chất bôi trơn và chất đệm nâng đỡ khớp, dẫn đến đau khớp, giảm độ linh hoạt của khớp.

1.4. Điều hòa nhiệt độ cơ thể
Khi trời nóng hoặc khi bạn tập luyện thể dục, cơ thể sẽ toát mồ hôi làm mát cơ thể, duy trì nhiệt độ.
Khi có quá ít nước trong cơ thể, sự tích trữ nhiệt sẽ tăng lên và cơ thể sẽ cảm thấy nóng bức.
1.5. Giúp loại bỏ chất thải trong cơ thể
Nước cần thiết trong quá trình bài tiết mồ hôi và loại bỏ nước tiểu, phân.
1.6. Duy trì huyết áp ổn định
Như đã nói ở trên, thiếu nước có thể khiến máu trở nên cô đặc hơn, có thể làm giảm sự vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng trong máu, gây đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ hoặc nghiêm trọng hơn là tăng huyết áp .
1.7. Giúp hấp thu một số chất khoáng và vitamin tan trong nước
Nước giúp hòa tan các khoáng chất và chất dinh dưỡng tan trong nước, giúp chúng dễ dàng đi vào cơ thể hơn.
1.8. Nước ngăn ngừa tổn thương thận
Nước cần thiết cho thận hoạt động. Nếu không đủ nước, các chất thải có thể bị ứ đọng trong cơ thể. Nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận là thiếu nước. Do đó uống đủ nước mỗi ngày cũng là một cách để dự phòng sỏi thận.
* Tăng bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể, thanh lọc giải độc qua việc tiết mồ hôi, đi tiểu.
2. Dấu hiệu của mất nước là gì?
Cơ thể của bạn liên tục sử dụng và đào thải chất lỏng thông qua việc đổ mồ hôi và đi tiểu. Mất nước xảy ra khi cơ thể bạn mất nhiều nước hoặc chất lỏng hơn lượng nước nạp vào cơ thể.
Các triệu chứng mất nước có thể bao gồm từ khát nước, môi khô, họng khô đến cảm thấy mệt mỏi. Bạn có thể nhận thấy mình đi tiểu ít hơn hoặc nước tiểu có màu sẫm.
Mất nước nặng có thể dẫn đến:
- Hoa mắt, lú lẫn
- Thay đổi tâm trạng, tính tình cáu gắt
- Cảm thấy nóng nực
- Táo bón
- Suy giảm chức năng thận
- Co giật, mất ý thức
Mất nước nhẹ có thể được điều trị bằng cách uống thêm nước và các chất lỏng khác.
Nếu bạn bị mất nước nghiêm trọng, bạn có thể cần đến bệnh viện để truyền dịch tĩnh mạch cho đến khi các triệu chứng biến mất.
3. Uống bao nhiêu nước một ngày là đủ?
Lượng nước cần thiết mỗi ngày cho mỗi người là khác nhau, tùy vào mức độ hoạt động, nhiệt độ môi trường,…
Tuy nhiên theo khuyến cáo của viện Dinh dưỡng năm 2016, nhu cầu nước hàng ngày của một người trưởng thành hoạt động thể lực trung bình cần 35ml/kg trong lượng cơ thể và khoảng 40ml/kg trọng lượng cơ thể nếu hoạt động thể lực nặng (lao động năng, chơi thể thao vận động mạnh), tức là nhu cầu nước đối với một người nặng khoảng 50kg dao động từ 1750ml đến 2000ml. Hoặc có thể tính bằng tổng như cầu năng lượng là 1ml/1kCal.
Đối với trẻ em và vị thành niên nhu cầu nước tính theo cân nặng thường cao hơn so với người lớn.
Nhu cầu này tăng lên nếu hoạt động nhiều hơn, đổ mồ hôi nhiều, sốt, tiêu chảy,…
Có một số bệnh lý cần kiểm soát lượng nước uống đặc biệt là bệnh tim, bệnh thận. Hỏi ý kiến bác sỹ để biết được thông tin về lượng nước cần nạp nếu mắc tình trạng trên.

4. Uống nước thế nào cho đúng cách?
Mặc dù biết được lượng nước nên uống mỗi ngày nhưng chưa chắc ai cũng biết cách uống nước cho đúng cách. Uống nước đúng cách là uống nước đúng thời điểm, nhiệt độ nước uống phù hợp và nước uống phải sạch.
4.1. Thời điểm uống nước:
Bạn nên uống nước đều vào các thời điểm trong ngày, tránh để khát nước rồi mới uống sẽ khiến bạn uống nhiều nước vào một lúc.
- Uống 1 cốc nước sau khi thức dậy để kích thích các cơ quan trong cơ thể hoạt động trở lại, hỗ trợ cơ quan bài tiết.
- Giữa buổi sáng (8 – 9h) và giữa buổi chiều (2 – 3h chiều) bạn nên uống 1 cốc nước để giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.
- Trước bữa trưa và bữa tối bạn nên uống 1 cốc nước để kích thích hệ tiêu hóa.
- Trước khi đi ngủ 30 phút – 1 tiếng nên uống 1 cốc nước để cung cấp đủ nước suốt một đêm ngủ dài.
- Ngoài những thời điểm trên, bạn cũng nên uống nước vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu cảm thấy khát hoặc uống nước trong và sau khi tập luyện thể dục thể thao.
4.2. Nhiệt độ nước uống
Nước ấm hay nước lạnh đều có tác dụng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên cần uống đúng lúc mới có tác dụng có lợi cho sức khỏe.
- Nước ấm: bạn nên uống nước ấm ở thời điểm vừa ngủ dậy
- Nước mát: nước mát có tác dụng hạ nhiệt tốt khi vừa đi trời nắng về hoặc đang luyện tập thể dục thể thao.
Chỉ nên uống nước mát vừa phải, tránh uống nước đá vì uống nhiều có thể tăng nguy cơ co mạch và gây tổn thương niêm mạc hầu họng và đường tiêu hóa do tiếp xúc lạnh quá lâu.
4.3. Nước sạch
Ngoài lượng nước và thời điểm uống nước, cần quan tâm đến chất lượng nước uống. Nước bẩn sẽ gây nên các vấn đề về đường ruột. Do đó khi uống nước cần lựa chọn đúng nguồn nước sạch để bảo vệ sức khỏe bản thân.
- Không uống nước đun sôi để quá 24 giờ
- Nên sử dụng các loại nước đã được lọc qua máy lọc nước, hoặc nước uống đóng chai
- Không uống nước lã
Nước đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cơ thể. Việc bổ sung đủ nước hàng ngày tuy đơn giản nhưng lại có rất nhiều người không làm được vì không có thói quen uống nước thường xuyên, hoặc thậm chí không biết uống bao nhiêu nước một ngày… Uống nước đủ, đúng cách sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe, sắc đẹp, tràn đầy năng lượng để hoạt động mỗi ngày.
Theo Nguyễn Lâm
Xem thêm: Nguyên tắc clean and clear và giá trị sức khỏe tuyệt vời