Trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, khi nói về căn bệnh đang rất phổ biến hiện nay là đái tháo đường, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng được nghe nói đến vai trò của insulin, một chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
Rất nhiều các câu hỏi được đặt ra “Đây là hoạt chất gì?”, “Chúng có tác dụng như thế nào trong việc điều trị đái tháo đường ?”, “Liệu insulin còn có những ảnh hưởng gì khác đến cơ thể của chúng ta hay không?”. Bài viết về vai trò của insulin sau của LMS – Giảm Béo Chuẩn Y Khoa sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn và giải đáp được những thắc mắc trên.
1. Insulin là gì?
Insulin là một hormon nội tiết, có bản chất là protein, được sản xuất bởi các tế bào beta của tuyến tụy.
Nói một cách dễ hiểu, hormone nội tiết là các chất do chính các tuyến trong cơ thể chúng ta sản xuất ra, sau đó đi vào máu và tác động đến một hay nhiều nhóm tế bào khác trong cơ thể. Cụ thể trong trường hợp này, insulin được các tế bào tuyến tụy tiết ra, sau đó đi vào máu, đến các tế bào khác nhau và thực hiện vai trò của insulin.
Có rất nhiều yếu tố điều hòa quá trình bài tiết insulin của tuyến tụy, trong đó quan trọng nhất là nồng độ glucose trong máu.

2. Insulin hoạt động như thế nào ?
Bản thân insulin là một hormone có nhiều vai trò, trong đó vai trò mà chúng ta thường nghe nói đến nhiều nhất là giúp kiểm soát đường huyết tốt bằng cách giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào. Vậy vai trò của insulin giúp kiểm soát đường huyết bằng phương pháp nào ?
Bạn thử hình dung sau một bữa ăn, khi nồng độ đường trong máu chúng ta bắt đầu tăng lên vượt ngưỡng giới hạn bình thường (cụ thể là glucose), sẽ kích thích các tế bào tuyến tụy tiết ra insulin.
Lúc này, insulin như một chất tín hiệu, đi vào máu, gắn vào các thụ thể (là những cấu trúc tương thích với insulin) trên màng tế bào. Sự gắn kết này phát ra tín hiệu giúp mở các “kênh” vận chuyển glucose, hiểu theo nghĩa thông thường là giúp mở các cánh cổng trên màng tế bào, đưa glucose vào trong tế bào.
Quá trình này giúp nồng độ glucose trong máu luôn được duy trì trong khoảng giới hạn bình thường, đồng thời giúp các tế bào sử dụng glucose cho việc sinh năng lượng hoặc dự trữ glucose dưới dạng một chất khác có tên gọi là glycogen. Tuy nhiên, quá trình dự trữ glucose dưới dạng glycogen chỉ xảy ra ở tế bào gan và tế bào cơ.
Công dụng của glycogen sẽ được phát huy trong trường hợp khi lượng glucose máu giảm, glycogen trong tế bào gan lại được giải phóng thành glucose vào máu nhờ một hormone khác đối lập với insulin có tên là glucagon.
Cơ chế insulin giúp đưa glucose vào bên trong tế bào
Tuy nhiên, insulin không chỉ có tác động lên glucose mà còn ảnh hưởng đến quá trình dự trữ các chất dinh dưỡng khác như chất béo hay chất đạm. Dưới tác dụng của insulin, các chất này cũng được vận chuyển vào các tế bào và dự trữ trong các kho dự trữ tự nhiên của cơ thể.

Một cách tổng quan, sau một bữa ăn no, sự có mặt của các chất dinh dưỡng lúc này có thể vượt quá nhu cầu của cơ thể, insulin giúp cho những chất dinh dưỡng dư thừa được lưu trữ dưới các dạng khác nhau, bao gồm: glycogen trong gan và cơ; chất béo trong mô mỡ; protein trong mô cơ.
3. Vai trò của Insulin
Vai trò của Insulin với cơ thể chúng ta là cực kì quan trọng. Chúng tác động đến hầu hết các quá trình chuyển hóa năng lượng ở từng tế bào, từ đó ảnh hưởng đến việc dự trữ và tiêu hao năng lượng của cơ thể.
Vai trò của insulin: Giảm nồng độ glucose máu
Insulin là hormon duy nhất gây hạ đường máu. Thiếu hụt insulin tuyệt đối hay tương đối đều gây ra bệnh cảnh đái tháo đường.
Như đã trình bày ở trên, sau một bữa ăn, chúng ta đưa vào cơ thể một lượng glucose khá nhiều, từ đó sẽ kích thích tiết insulin để tăng vận chuyển glucose vào tế bào. Riêng ở tế bào gan và cơ, glucose còn có thể được chuyển sang dạng dự trữ là glycogen.
Từ vai trò này của insulin, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng và đưa vào sản xuất insulin dưới dạng chế phẩm điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 không thể kiểm soát đường huyết bằng các thuốc khác.
Đối với người bệnh đái tháo đường type 1, tế bào beta của tụy bị phá hủy dẫn tới cơ thể bị thiếu insulin hoàn toàn. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường type 1 bắt buộc phải được điều trị bằng bổ sung insulin từ bên ngoài vào cơ thể.
Đối với người bệnh đái tháo đường type 2, tế bào beta của tụy vẫn sản xuất được insulin. Tuy nhiên, trên cơ địa thường gặp ở những người béo phì, rối loạn chuyển hóa, các nghiên cứu đã chứng minh có hiện tượng đề kháng insulin ở các tế bào khác trong cơ thể, khiến cho insulin không thực hiện được vai trò của mình.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, cơ thể chúng ta phản ứng lại tình trạng đề kháng này bằng việc tăng tiết insulin để bù trừ. Tình trạng này kéo dài cho đến khi bệnh tiến triển, những tế bào beta của tụy bị suy yếu dần dẫn tới bệnh nhân đái tháo đường type 2 phải điều trị phối hợp thuốc. Và trong nhiều trường hợp nặng, có chỉ định điều trị bằng insulin để kiểm soát đường huyết.
Một chế phẩm insulin dành cho bệnh nhân đái tháo đường
Việc sử dụng insulin cần phải có chỉ định đúng từ bác sĩ chuyên khoa, sự hướng dẫn đúng về cách dùng và liều lượng. Do vậy, nếu bạn hoặc người thân của bạn nghi ngờ hoặc được chẩn đoán đái tháo đường, hãy theo dõi, điều trị thuốc và tái khám thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.

Vai trò của insulin: Ảnh hưởng lên quá trình chuyển hóa chất béo (lipid)
Insulin làm tăng tổng hợp và dự trữ axit béo trong các tế bào mỡ, đồng thời ức chế sự huy động và oxy hóa các axit béo. Kết quả là làm giảm nồng độ axit béo trong máu.
Điều này có ý nghĩa giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đặc biệt ở những người lớn tuổi có bệnh mạn tính đi kèm như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,…
Vai trò của insulin: Ảnh hưởng lên quá trình chuyển hóa chất đạm (protein)
Insulin kích thích đưa các axit amin vào trong các tế bào, chủ yếu là tế bào cơ, làm tăng tổng hợp protein và ức chế sự thoái hóa protein. Kết quả là làm giảm nồng độ axit amin trong máu và tăng tổng hợp protein trong các tế bào cơ.
Điều này giải thích vì sao ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1 có tình trạng thiếu hụt insulin hoàn toàn, khối cơ thường teo lại, cơ thể gầy yếu, sụt cân nhanh.
Người ta ứng dụng vai trò của insulin tăng tổng hợp protein trong việc xây dựng cơ bắp ở những vận động viên hay người tập thể hình. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng insulin có vai trò phục hồi và xây dựng cơ bắp tốt hơn sau tập luyện.
Tuy nhiên, bản thân chất này còn có tác động khác lên quá trình chuyển hóa chất béo là tăng tích trữ mỡ. Điều này được xem như một “con dao hai lưỡi”.
Do vậy, thử thách dành cho người tập luyện khi sử dụng insulin để xây dựng cơ bắp là thời điểm sử dụng thích hợp cũng như biết cách kiểm soát hợp lý để phát huy tối đa tác dụng mà mình mong muốn.
Vai trò của insulin: Giảm nồng độ kali trong máu
Một vai trò nữa của insulin mà ít người biết đến là tác dụng gây hạ kali máu. Insulin kích thích đưa kali vào trong tế bào (cùng thời điểm nó kích thích đưa glucose vào trong tế bào). Do vậy, trên lâm sàng chất này còn được ứng dụng trong điều trị các bệnh nhân tăng kali máu.
4. Kết luận về vai trò của insulin trong cơ thể
Tóm lại, vai trò của insulin đối với cơ thể chúng ta là cực kì quan trọng. Việc hiểu rõ bản chất và ảnh hưởng của insulin lên các cơ quan trong cơ thể giúp chúng ta trang bị thêm kiến thức cho bản thân và người thân đang mắc căn bệnh đái tháo đường.
Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng của bệnh đái tháo đường, người bệnh cần có sự tuân thủ nghiêm ngặt việc kết hợp điều trị dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thường xuyên. Sự tuân thủ điều trị và cố gắng thay đổi thói quen ăn uống qua mỗi ngày và luyện tập hoạt động thể dục thể thao hằng ngày rất có ý nghĩa trong việc cải thiện các triệu chứng và biến chứng về sau của căn bệnh này.
Theo BS Hồng Quốc Thái – BV An Bình
Xem thêm: Top 7 bài tập giảm mỡ toàn thân hiệu quả dành cho chị em.