“Tiêm chủng cho trẻ” – cụm từ luôn khiến các mẹ băn khoăn, đặc biệt là những bạn chuẩn bị làm mẹ. Sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt để phòng tránh được phần lớn các bệnh tiêu hóa và hô hấp những năm đầu đời. Tuy nhiên, sự bảo vệ này chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định, hệ miễn dịch của con cần phải được huấn luyện nhờ sự nhiễm bệnh và những “mũi tiêm đầu đời”.
Vậy những mũi tiêm này là gì, tiêm vào lúc nào và những điều cần chú ý trước tiêm và sau tiêm ra sao thì mời các mẹ cùng tìm hiểu bài viết sau đây của LMS – Giảm Béo Chuẩn Y Khoa nhé.
1. Vì sao phải tiêm chủng cho trẻ?
Các mẹ có biết rằng: từ lúc sinh ra đến khi tròn 1 tuổi là thời điểm bé phải tiêm nhiều loại vắc xin nhất, với tổng số mũi vắc xin cần thiết phải tiêm cho bé là khoảng 20 mũi – một con số rất bất ngờ đúng không nào? Vậy các mẹ có biết vì sao phải tiêm như vậy không, cùng tìm hiểu các lý do sau đây nhé:
- Sức đề kháng của trẻ rất non yếu, đặc biệt là trẻ sơ sinh vì thời điểm trẻ mới ra đời, hệ miễn dịch của trẻ chỉ ở dạng miễn dịch thụ động, chủ yếu nhận kháng thể từ sữa mẹ để phòng tránh bệnh tật. Chưa kể đến giai đoạn sau 6 tháng đầu đời trẻ sẽ bước vào khoảng trống miễn dịch.
- Điều kiện môi trường phức tạp, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến thất thường… tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh phát triển. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn luôn thường trực đe dọa đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Bên cạnh đó, hiện nay có một số dịch bệnh diễn biến phức tạp, khả năng điều trị một số bệnh của y học hiện đại vẫn còn hạn chế, thậm chí ngay cả khi được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại nhiều di chứng nặng nề.
- Việc tiêm chủng giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt virus, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh ở các lần xâm nhập sau. Đây là các lý do vì sao phải tiêm chủng cho trẻ đầy đủ để có thể bảo vệ sức khỏe trọn đời.

2. Tiêm chủng cho trẻ: Những mũi tiêm đầu đời
2.1. Vắc xin phòng bệnh lao và viêm gan B
-
- Tiêm vắc xin phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt nếu con bị hoãn chưa tiêm được vắc xin trong 24 giờ sau sinh.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh Lao trong vòng 30 ngày đầu sau sinh.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh:
- Mũi 1: tiêm lần đầu ngay sau sinh
- Mũi 2: sau mũi 1 một tháng
- Mũi 3: sau mũi 2 một tháng
- Tiêm nhắc lại sau mũi 3 một năm
Riêng vắc xin phòng ngừa Lao chỉ cần tiêm một liều duy nhất trong đời.
Lưu ý: phần lớn trẻ sau khi tiêm phòng lao khoảng 2 tuần thì tại chỗ tiêm xuất hiện vết loét đỏ. Vết loét này sẽ tự lành và có thể để lại một vết sẹo nhỏ. Các mẹ không cần quá lo lắng bởi đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã có miễn dịch phòng ngừa lao.
- Vắc xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib: giúp ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, các bệnh nhiễm khuẩn do Hib gây ra.
Lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 cho trẻ:
- Mũi 1: lúc 2 tháng tuổi
- Mũi 2 sau mũi 1 một tháng
- Mũi 3 sau mũi 2 một tháng
- Tiêm nhắc khi trẻ được 12-18 tháng
Lưu ý: cần bám sát lịch tiêm 5 trong 1 vì đây là 5 bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh
- Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus: đây là loại vắc xin phòng bệnh viêm dạ dày ruột do virus Rota gây ra. Bệnh bắt đầu với những biểu hiện: sốt, ói mửa nhiều sau đó là tiêu chảy và có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng cho trẻ:
- Liều đầu tiên nên bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi
- Liều thứ 2: sau đó 4 tuần ( nên hoàn thành 2 liều trước 6 tháng tuổi)
Lưu ý: vắc xin loại này được bào chế dưới dạng dùng đường uống, do vậy không nên cho trẻ ăn quá no trước khi uống để phòng nôn trớ. Nếu trẻ bị nôn trớ phần lớn vắc xin thì nên uống lại
- Vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu
Lịch tiêm chủng vắc xin:
- Mũi 1: lúc 2 tháng tuổi
- Mũi 2: sau mũi 1 một tháng
- Mũi 3: sau mũi 2 một tháng
- Mũi thứ 4 tiêm sau 6 tháng kể từ mũi 3
Lưu ý: nếu khi được 2 tháng tuổi mà chưa được tiêm vắc xin này thì cần áp dụng lịch tiêm khác. Cụ thể nếu trẻ từ 7-11 tháng thì tiêm mũi 1 lần đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 hai tháng, mũi 3 cách mũi 2 hai tháng
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C: Giống như virus thủy đậu, virus viêm não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp nên rất dễ mắc và dễ bùng phát.
Lịch tiêm chủng cho trẻ:
- Mũi 1: trẻ từ 6 tháng
- Mũi 2: cách mũi 1 khoảng 6-8 tuần
Lưu ý: trẻ sống trong vùng dịch hoặc trong môi trường tập thể có thể được chỉ định tiêm vắc xin này từ 3 tháng tuổi.

3. Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ
- Mẹ nên thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe trước đây của trẻ: có bệnh gì không, có bị dị ứng gì không, có đang phải uống thuốc kháng sinh không…
- Các mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm của con mình
- Theo dõi con tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Nếu có gì bất thường như: nôn, thở nhanh, thở ngắt quãng, khò khè da mẩn đỏ, co giật … cần báo ngay cho nhân viên y tế
- Khi trẻ sốt cao, mẹ có thể cho trẻ dùng hạ sốt theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế
- Không bôi đắp bất cứ thứ gì lên vị trí vết tiêm của trẻ. Vết tiêm có thể bị sưng đỏ, đau nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi
- Mẹ nên chăm sóc và theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe trẻ kỹ sau tiêm chủng như: cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều…
Trên đây là tổng hợp những thông tin cần thiết liên quan đến việc tiêm chủng cho trẻ và những mũi tiêm đầu đời của các bé. Hy vọng sau bài viết này, các mẹ đã giải đáp được các thắc mắc xoay quanh vấn đề tiêm chủng, nắm rõ được lịch tiêm chủng, tầm quan trọng của việc tiêm chủng, tránh được việc quên lịch tiêm chủng để cho con được tiêm đầy đủ và có được hệ miễn dịch tốt nhất phòng tránh được nhiều bệnh tật.
Tài liệu tham khảo:
- Vietnam Vaccine
- Chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo BS Nguyễn Thanh
Xem thêm: CON BỊ NÔN TRỚ MẸ PHẢI LÀM GÌ?
CHO TRẺ BÚ THEO NHU CẦU HAY THEO CỮ?