Như chúng ta đã biết nước rất quan trọng cho cơ thể mỗi người, nó chiếm từ 70-80% trong cơ thể. Có nước thì cơ thể chúng ta mới diễn ra mọi phản ứng. Do đó mất nước có thể ảnh hưởng đến các phản ứng này và có thể dẫn tới nhiều hậu quả không đáng có. Vậy liệu cơ thể bạn có đang mất nước. Chúng ta hãy cùng LMS tìm hiểu mất nước là gì? Mất nước có hại gì cho cơ thể? và cách phòng tránh nhé.
1. Mất nước là gì?
Mất nước (dehydration) là tình trạng nước trong cơ thể chúng ta bị mất đi nhiều hơn so với lượng nước được cung cấp hằng ngày. Nước là thành phần chính của máu và nước tiểu. Nó được tìm thấy trong các mô và trong chất lỏng hoạt dịch đệm khớp của bạn. Nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và duy trì sự cân bằng điện giải. Cơ thể bạn chỉ dự trữ có hạn nên bạn phải bổ sung nước hàng ngày để cơ thể hoạt động tốt.
2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất nước
Do bệnh lý
Các tình trạng bệnh như sốt, tiêu chảy,.. cũng có thể dẫn tới tình trạng mất nước
Do sinh hoạt hằng ngày
Nếu sinh hoạt trong môi trường nắng nóng thì cũng có thể mất nước qua da do tiết mồ hôi. Ngay cả lúc nghỉ thì thì chúng ta cũng mất nước cụ thể là khoảng 300ml từ phổi thở ra, 500ml do bay qua da và 100ml qua ruột, việc di chuyển.
Do tập thể dục, thể thao
Tập thể dục thể thao rất dễ khiến cơ thể mất nước. Vì khi đó bạn tiết rất nhiều nước qua mồ hôi. Vậy nên nếu bạn có thường xuyên tập thể dục, thể thao hằng ngày thì hãy bổ sung ngay thêm chai nước bên cạnh để tránh tình trạng mất nước.
Do một số loại thuốc
Thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống buồn nôn, tác dụng phụ là lợi tiểu, dẫn đến mất nước. Vì vậy khi dùng những loại thuốc đó, bạn cần bổ sung thêm nước.
Do căng thẳng
“ Khi bạn liên tục bị căng thẳng, thì tuyến thượng thận của bạn trở nên cạn kiệt, gây suy thận “ – Tiến sĩ Kominiarek . Tuyến thượng thận sản xuất hormon aldosterone, giúp điều chỉnh chất lỏng và điện giải. Khi thận bị suy giảm, tuyến thượng thận làm việc kém, từ đó gây tình trạng mất nước, điện giải thấp. Bổ sung thêm nước là lời khuyên lúc này.

3. Triệu chứng khi cơ thể bị mất nước
Một số biểu hiện khi mất nước là:
- Khát nước: có thể thể khát nhiều, rất nhiều
- Cơ thể cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, choáng váng: do não không cung cấp đủ lượng nước cần thiết nên gây ra các triệu chứng như đau đầu ngoài ra thì hệ tuần hoàn cũng hoạt động kém khi cơ thể thiếu nước nên dẫn tới choáng váng, chóng mặt
- Nước tiểu đặc, màu vàng sẫm, tiểu ít đi: nước tiểu của bạn là một thước đo để biết cơ thể bạn có cung cấp đủ nước hay không. Bình thường nếu cơ thể cung cấp đủ nước thì nước tiểu sẽ trong và loãng nhưng nếu cung cấp không đủ lượng nước cho cơ thể thì nước tiểu sẽ đặc và sẫm màu vàng hơn bình thường. Khi đó có thể dẫn tới không đi tiểu trong nhiều giờ, hoặc giảm số lần đi tiểu trong một ngày
- Da bắt đầu khô, nhăn nheo: do khả năng thăng bằng điện giải bị suy giảm dẫn đến tình trạng này
- Khô miệng, hôi miệng: do thiếu nước nên tuyến nước bọt của cơ thể bị giảm hoặc mất nước nên dẫn đến tình trạng khô miệng, hôi miệng
Ngoài ra đối với trẻ nhỏ có các triệu chứng mất nước là:
- Mắt trũng
- Miệng, lưỡi khô,
- Da nhăn, véo có nếp gấp da.
- Không thấy đi tiểu trong vòng 3 giờ, số lần và số lượng nước tiểu giảm.
- Cáu kỉnh, thiếu năng lượng, buồn ngủ, quấy khóc
- Không thấy có nước mắt khi khóc
- Nếu mất nước quá nặng, trẻ kích thích, hoặc nhận thức kém.
Do thiếu nước nên tuyến nước bọt của cơ thể bị giảm hoặc mất nước nên dẫn đến tình trạng khô miệng, hôi miệng.
4. Mất nước có hại gì cho cơ thể?
Ảnh hưởng đến não
Trong não chứ đến 70% là nước vì vậy việc bổ sung nước rất quan trọng đối với não. Khi não bị mất nước thì hệ thần kinh sẽ hoạt động kém điều này sẽ làm suy giảm việc ghi nhớ thông tin. Bạn cảm thấy khó tập trung và nhắc lại thông tin đó
Tăng nhiệt độ cơ thể
Những tiết trời nắng nóng thì nước trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt. Nếu bạn không cung cấp đủ nước thì cơ thể sẽ nóng lên và kèm theo một số tình trạng như chuột rút, nhịp tim nhanh, chóng mặt, mệt mỏi,… Nếu nặng thì có thể dẫn tới sốc nhiệt
Động kinh
Mất nước sẽ dẫn tới rối loạn điện giải như natri, kali. Tình trạng này gây ra sự rối loạn trong việc dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Vì vậy thường sẽ xảy ra các cơ co không tự ý được nếu nặng hơn có thể mất ý thức.
Bệnh lý liên quan đến thận
Cơ thể được cung cấp ít nước nên không thể loại bỏ được các chất dư thừa và chất thải từ máu. Điều này rất có thể dẫn tới các bệnh lý về thận như suy thận cấp, sỏi thận, nhiễm trong đường tiết niệu..
Da khô, nhăn nheo
Khi không cung cấp đủ nước thì cơ thể không thể loại bỏ độc tố một cách hiệu quả và ảnh hưởng xấu tới da. Nếu nước được cung cấp đủ cho cơ thể thì da sẽ đủ nước và làm giảm hình thành nếp nhăn.
Hôn mê và tử vong
Nếu tình trạng mất nước nặng và kéo dài sẽ dẫn tới hôn mê nếu mất 5 -10% và nặng hơn có thể tử vong nếu mất 15 – 20% nước trong cơ thể.

5. Một số biện pháp phòng tránh mất nước
- Uống đủ nước mỗi ngày, nhất là vào mùa hè. Tốt hơn hết là bạn không nên đợi đến lúc khát mới uống mà hãy bổ sung nước đều đặn khi không khát, uống từng ngụm nhỏ. Nếu vào thời tiết không quá nóng thì bạn nên uống nước ấm vì nước ấm sẽ dễ hấp thu hơn nước lạnh.
- Đối với những người thường xuyên tập thể dục thể thao hay lao động nặng thì cần bổ sung lượng nước nhiều hơn bình thường vì khi đó cơ thể sẽ mất nước khi tiết ra nhiều mồ hôi. Và chỉ nên bổ sung nước một cách từ từ, từng ngụm nhỏ tránh tình trạng bổ sung quá nhiều nước vào cơ thể cùng một lúc.
- Đối với những thời tiết lạnh cũng cần bổ sung nước dù trời không nóng có thể bạn không tiết nhiều mồ hôi nhưng không khí lúc này có thể khiến da của bạn khô hơn vì vậy bạn cũng cần nên bổ sung nước vào thời tiết lạnh.
- Đối với bệnh nhân mắc bệnh lý như tiêu chảy, nôn ói, hay vấn đề về thận thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia để điều chỉnh được lượng nước phù hợp mỗi ngày.
- Bạn nên tránh mất nước bằng cách tránh tiếp xúc môi trường nắng, nóng quá lâu.
- Tránh các đồ uống chứa caffeine (hoạt động như chất lợi tiểu).
Theo BS Đào Duyên
Xem thêm: Uống cafe giảm cân