Gan nhiễm mỡ được xem là nỗi niềm chung của rất nhiều quý ông có thói quen tụ tập bàn nhậu. Đây cũng là bệnh thường gặp ở những người thừa cân béo phì. Hiểu đúng về bệnh, biết cách phòng ngừa và thay đổi lối sống đúng khoa học sẽ góp phần đẩy lùi gan nhiễm mỡ hiệu quả. Trong đó chế độ dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ đóng vai trò vô cùng quan trọng, hãy cùng LMS – Giảm Béo Chuẩn Y Khoa giúp bạn tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?
Trước khi tìm hiểu về bệnh gan nhiễm mỡ bạn cần nắm được vai trò quan trọng của gan đối với cơ thể.
1.1. Vai trò của gan đối với cơ thể:
Gan là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể sống. Chức năng đầu tiên của gan đó là dự trữ và lọc máu, một số thuốc sẽ đi qua gan để chuyển hóa, một số độc chất đối với cơ thể khi đi qua gan sẽ chuyển hóa thành chất không độc hoặc ít độc hơn, sau đó được vận chuyển vào máu và thải qua nước tiểu. Gan còn làm nhiệm vụ dự trữ, chuyển hóa và điều hòa nồng độ các chất dinh dưỡng.
Ví dụ, gan là kho dự trữ chính yếu chất bột đường, sắt, kẽm, các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Hơn nữa, gan còn giúp tổng hợp protein và các yếu tố đông máu. Một vai trò không kém phần quan trọng của gan đó là tiết mật. Từ đây, mật sẽ giúp tiêu hóa và hấp thu chất béo khi ta ăn vào. Có thể nói, gan như một “nhà máy khổng lồ” của cơ thể, thực hiện rất nhiều chức năng ưu việt.

1.2. Gan nhiễm mỡ là gì?
Bệnh gan nhiễm mỡ (steatosis) là một tình trạng phổ biến do có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan. Một lá gan khỏe mạnh chứa một lượng nhỏ chất béo và trở thành một vấn đề bệnh lý khi lượng chất béo đạt từ 5% đến 10% trọng lượng gan.
Điều gì sẽ xảy ra một khi gan không còn đảm đương các chức năng trên một cách tối ưu. Hậu quả của gan nhiễm mỡ đó là tế bào gan bị tổn thương, tạo sẹo, xơ hóa và cuối cùng nặng hơn là tình trạng xơ gan. Một số nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ chủ yếu là do rượu, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như chế độ ăn quá nhiều triglycerid.
1.3. Phân loại bệnh gan nhiễm mỡ:
Bệnh gan nhiễm mỡ gồm có: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu:
Sẽ trải qua ba giai đoạn. Đầu tiên là tích tụ mỡ, nhiễm mỡ. Giai đoạn kế tiếp là viêm gan nhiễm mỡ, đây là tình trạng viêm mạn tính, lâu ngày sẽ xơ hóa, tạo sẹo. Khi xơ hóa lâu dần sẽ trở thành xơ gan nhiễm mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu:
Diễn tiến từ từ, không có đợt cấp, xảy ra ở những người không có uống rượu đáng kể. Đây chính là nguyên nhân lý giải tại sao một số trường hợp phụ nữ không có uống rượu nhưng vẫn bị gan nhiễm mỡ. Khi đó, có một số yếu tố nguy cơ đã được chứng minh trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bao gồm béo phì, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu (thường gặp nhất là tăng Triglycerid máu) và hội chứng chuyển hóa.
Trong đó, hội chứng chuyển hóa gồm có rối loạn đường huyết đói, tăng huyết áp, tăng Triglycerid máu, giảm cholesterol tốt (HDL – cholesterol) và béo bụng. Một điều đáng chú ý là sự tích lũy mỡ ở vùng bụng có liên quan khắng khít đến sự gia tăng tích lũy mỡ ở các cơ quan. Vòng eo được xem là không có nguy cơ về sức khỏe khi ở nam đo ra dưới 90cm và ở nữ dưới 80cm. Hội chứng chuyển hóa xuất hiện sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây.
2. Dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ: Không nên ăn gì?
2.1. Hạn chế rượu bia:
Đối với bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, cần tiêu thụ lượng rượu trong mức cho phép. Trong rượu có chất cồn. Chất cồn là một hợp chất hữu cơ có chứa carbon, hydro, oxy và gốc OH gắn trên mạch carbon. Mỗi gam chất cồn cung cấp 7 kcal, cao hơn hẳn so với chất bột đường và chất đạm. Điều gì sẽ xảy ra nếu tiêu thụ lượng rượu quá nhiều? Cơ thể sẽ hạn chế khả năng chuyển hóa ethanol thành năng lượng, chất cồn sẽ có xu hướng tổng hợp thành chất béo. Do đó, người uống nhiều rượu sẽ gia tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Một điều đáng lưu ý là khả năng hấp thu và chuyển hóa chất cồn của mỗi người sẽ có sự khác biệt. Khuyến cáo về lượng thức uống có cồn đối với một người trưởng thành có tầm vóc trung bình là mỗi ngày không tiêu thụ quá 1 đơn vị sử dụng chất cồn đối với nữ và không quá 2 đơn vị sử dụng chất cồn đối với nam. Một đơn vị sử dụng chất cồn tương đương 30-40 ml rượu mạnh (30-40%), 100 ml rượu vang (13,5 %), 1 cốc bia hơi 330 ml (4%), 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%); Một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%).

Ngoài ra, do chuyển hóa chất cồn trong cơ thể cần nhiều vitamin nhóm B, nhất là nicacin và glucose. Do đó, ở những người nghiện rượu, nhu cầu các loại vitamin nhóm B thường cao hơn so với nhu cầu của một người bình thường.
2.2. Hạn chế các thực phẩm có nhiều chất béo xấu cho sức khỏe:
Do béo phì là yếu tố nguy cơ của gan nhiễm mỡ không do rượu nên bạn cần tránh các thực phẩm có nhiều chất béo như thịt mỡ, thịt chân giò, nước luộc thịt, bơ động vật, phô mát.
Ở những người có rối loạn Cholesterol máu nên chú ý các thực phẩm có nhiều cholesterol như trứng, thịt đỏ, thịt gia cầm và nhóm động vật có vỏ như tôm, cua, ốc, sò.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng cholesterol trong cơ thể đến từ hai nguồn chính: 1/3 được cung cấp từ thức ăn bên ngoài đưa vào cơ thể, 2/3 do bản thân cơ thể tổng hợp. Các thực phẩm giàu acid béo no có thể có hàm lượng cholesterol thấp nhưng lại làm gan tăng sự tổng hợp cholesterol bên trong cơ thể. Do vậy, khi ăn thịt, bạn có thể áp dụng cách làm tăng lượng protein ít béo như các loại thịt trắng: thịt ức gà, thịt cá và một số loại có hàm lượng nạc cao như thịt bò nạc, thịt heo nạc.
Ngoài ra, cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều acid béo no như mỡ động vật, sữa nguyên kem, bơ, phô mát, dầu dừa, dầu cọ và các sản phẩm có chứa các chất béo này như kẹo, bánh quy, bánh kem, bánh bông lan, kem… Hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều acid béo thể trans (transfat hay chất béo chuyển hóa) như bơ thực vật, margarine, shortening, các thực phẩm công nghiệp chiên rán như mì ăn liền, snack… và các thức ăn nhanh (gà rán, khoai tây chiên…).
3. Dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ: Nên ăn gì?
3.1. Lựa chọn các thực phẩm có nhiều chất béo tốt cho sức khỏe:
Bạn cần chú ý ưu tiên những nguồn chất béo tốt cho sức khỏe trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thành phần chất béo trong chế độ ăn giảm cân được phân bổ hợp lý khi mà các acid béo no chiếm tỷ lệ thấp, acid béo không no có một nối đôi và nhiều nối đôi chiếm tỷ lệ cao. Chất béo tốt được biết đến là các acid béo không no một nối đôi, có nhiều trong trái bơ, dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng…
Bên cạnh đó, các acid béo không no nhiều nối đôi có nhiều trong dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu mè, dầu bắp, các loại hạt… Acid béo chứa omega – 3 có nhiều trong dầu thực vật (hạt cải, hạt lanh, đậu nành), quả óc chó. Mỡ cá cũng chứa nhiều omega -3, ví dụ cá thu, cá hồi, cá mòi.

3.2. Dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ: Bổ sung đầy đủ chất xơ
Chất xơ có nhiều trong các loại trái cây, rau quả, rau củ. Ngoài vai trò điều hòa nhu động ruột, hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, chống táo bón, chất xơ còn có công dụng giảm cân. Đây được xem là chất dinh dưỡng đa lượng có thể tích lớn nên có tác dụng làm đầy ống tiêu hóa, làm giảm phản xạ đói. Lượng chất xơ được khuyến nghị tối thiểu ở người Việt Nam là 20 – 22 gam mỗi ngày. Ước tính mỗi ngày nên ăn khoảng 200 – 300 gam trái cây, 200 – 300 gam rau, củ.
3.3. Sử dụng một số loại trà thảo mộc
Một số loại trà thảo mộc được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày thay nước uống cũng có tác dụng rất lớn đối với việc điều hòa mỡ máu bổ gan như trà atiso, trà xanh, tâm sen, giảo cổ lam, nước vối, nhân trần, mướp đắng… khi dùng thường xuyên kéo dài cũng có tác dụng tốt với tình trạng mỡ hóa gan.

4. Ngoài chế độ dinh dưỡng cần lưu ý gì?
Ngoài chế độ ăn ra, người bệnh gan nhiễm mỡ cần tăng cường hoạt động thể lực. Bạn nên duy trì tập đều đặn mỗi ngày, tối thiểu 30 phút. Nếu tập quá ít thì có thể “phản tác dụng”, không những không tiêu bớt mỡ thừa mà thậm chí còn kích thích đói bụng hơn, ăn ngon miệng hơn. Nắm vững được các nguyên tắc trong ăn uống ở bệnh gan nhiễm mỡ không những giúp bạn duy trì được lối sống khỏe mạnh mà còn phòng ngừa được các bệnh mạn tính không lây khác. Đây đều là những bí kíp giúp bạn sống vui và sống khỏe mỗi ngày.
Bác sĩ LẠC TÂM
Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện An Bình
Xem thêm: Dinh dưỡng cho người bị thiếu máu