Dinh dưỡng cho người bệnh Gout – Những điều cần biết

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Gout đã không còn là một căn bệnh xa lạ đối với mỗi người chúng ta. Qua mỗi năm, số người mắc căn bệnh này càng tăng lên và để lại hậu quả nặng nề lên chất lượng sống của người bệnh. Nếu bạn đang mắc căn bệnh này hoặc có người thân mắc bệnh, những câu hỏi như “Gout là bệnh như thế nào?”, “dinh dưỡng cho người bệnh Gout như thế nào là hợp lý?” luôn được đặt ra khi nghe nói về căn bệnh này. Bài viết này của LMSGiảm Béo Chuẩn Y Khoa sẽ giúp bạn hiểu rõ phần nào bản chất của căn bệnh, cũng như tầm ảnh hưởng quan trọng của một chế độ dinh dưỡng đúng đắn lên việc cải thiện triệu chứng và biến chứng của bệnh.

1. Bệnh Gout là gì?

Bệnh Gout, trước đây ở Việt Nam còn được gọi là bệnh thống phong, được biểu hiện bởi các triệu chứng thường gặp như sưng nóng đỏ đau ở các khớp, chủ yếu là ở các ngón tay, ngón chân và diễn ra theo từng đợt. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng này do sự lắng đọng các tinh thể muối của axit uric ở các khớp bàn tay, bàn chân.

Bản thân Gout là một bệnh lý mạn tính không lây, có liên quan đến chế độ ăn uống dẫn đến sự gia tăng quá mức nồng độ axit uric trong máu.

1.1. Nguyên nhân:

Bệnh Gout có tính di truyền, 90% xảy ra ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 40. Tuy nhiên, ngày nay, căn bệnh này không còn là vấn đề riêng của nam giới trung niên mà tần suất xuất hiện căn bệnh này ở người trẻ tuổi ngày càng tăng dần theo thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng axit uric máu, trong đó chế độ ăn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nồng độ của chất này trong cơ thể. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Gout bao gồm: có người thân trong gia đình bị bệnh Gout, nghiện bia rượu, nghiện cà phê hoặc ăn uống không hợp lí kéo dài.

Dinh dưỡng cho người bệnh gout
Để giảm nhẹ tình trạng bệnh, bạn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gout một cách nghiêm ngặt.

1.2. Các biểu hiện của bệnh Gout:

– Viêm khớp tái phát từng đợt, đặc biệt chủ yếu ở các khớp ngón chân, ngón tay và có giai đoạn cấp xen kẽ giai đoạn nghỉ ngơi. Cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội, khởi phát về đêm, điển hình ban đầu xuất hiện ở khớp ngón chân cái

– Biến dạng khớp, đặc thù bởi các cục tophi (hình ảnh), khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi vận động.

Nốt Tophi – một triệu chứng nặng ở những bệnh nhân Gout

– Xuất hiện sỏi urat trong hệ thống thận-tiết niệu (thông thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc khi có triệu chứng đường tiết niệu).

* Riêng đối với xét nghiệm axit uric máu, không phải tất cả trường hợp tăng axit uric máu đều bị bệnh Gout và ngược lại, không phải tất cả người bệnh Gout đều có kết quả xét nghiệm axit uric máu cao. Do vậy, không chỉ dựa vào mỗi kết quả axit uric máu để chẩn đoán bệnh Gout mà cần có sự khám lâm sàng và chẩn đoán đến từ các bác sĩ chuyên khoa.

1.3. Hậu quả:

Hậu quả của căn bệnh này để lại là vô cùng nặng nề:

– Gây hư hại các khớp: nếu không được can thiệp điều trị sớm và đúng cách, có thể dẫn đến tàn phế, mất khả năng vận động bình thường của các khớp ở bàn tay và bàn chân.

– Biến chứng ở thận: bệnh Gout không chỉ ảnh hưởng lên các khớp xương mà còn có thể gây tổn thương thận với các biểu hiện bệnh: sỏi thận, viêm cầu thận cấp,…

2. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gout

Đến nay, Gout là bệnh lý khớp duy nhất mà chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn diễn tiến và biến chứng của bệnh. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng ăn uống không hợp lý là một yếu tố khởi phát các cơn sưng đau khớp cấp tính và khiến các triệu chứng này tái đi tái lại. Do vậy, nếu bản thân đang mắc bệnh gout hoặc có người thân mắc căn bệnh này, ngoài việc tuân thủ điều trị dùng thuốc từ các bác sĩ, chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng và trang bị kiến thức để có một chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gout hợp lý, từ đó giảm bớt tần suất xuất hiện các triệu chứng và các biến chứng của bệnh Gout.

Dinh dưỡng cho người bệnh gout
Khi xây dựng khẩu phần cho người bệnh Gout, nguyên tắc quan trọng nhất chính là hạn chế hoàn toàn các thực phẩm có nguy cơ cao làm tăng axit uric máu.

Khi xây dựng khẩu phần cho người bệnh Gout, nguyên tắc quan trọng nhất chính là hạn chế hoàn toàn các thực phẩm có nguy cơ cao làm tăng axit uric máu. Bên cạnh đó, chúng ta cần đảm bảo bữa ăn vẫn có đủ các chất dinh dưỡng: bột đường, đạm, béo và vitamin, khoáng chất ở tỉ lệ cân đối. Đây là nguyên tắc chung mà chúng ta cần nhớ khi xây dựng khẩu phần ăn cho bất kì người bệnh nào chứ không riêng bệnh Gout.

Vậy những thực phẩm nào có nguy cơ làm tăng lượng axit uric máu ? Đi vào tìm hiểu cụ thể hơn, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Gout được chia thành 2 loại:

2.1. Nếu bạn là người bệnh đang có triệu chứng cấp tính:

Bạn cần tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt theo hướng dẫn:

Loại bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm sau trong bữa ăn:

  • Nội tạng động vật (phá lấu, óc,…)
  • Hải sản: cá biển, tôm, cua, sò, ốc,…
  • Các thực phẩm có tính axit cao: thịt đỏ, thịt nướng, thịt xông khói, trái cây chua.
  • Các loại đậu đỗ
  • Thực phẩm thực vật tăng trưởng nhanh: nấm, măng tây, giá,…

Giảm các thức ăn giàu đạm trong khẩu phần như thịt gia cầm, cá.

  • Ưu tiên dùng trứng, sữa để cung cấp lượng đạm hàng ngày trong các bữa ăn.

Lượng bột đường có thể sử dụng cao hơn người bình thường một chút nhằm đảo bảo đủ năng lượng cho người bệnh.

  • Ở những bệnh nhân đái tháo đường đi kèm bệnh Gout, ưu tiên sử dụng các thực phẩm chứa bột đường có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, khoai lang, bột yến mạch, bánh mì đen,…

Chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày cần ưu tiên dùng nhóm chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật (dầu thực vật) thay cho chất béo bão hòa (mỡ động vật).

Nên dùng phương pháp chế biến hấp, luộc thay cho phương pháp nướng, chiên rán,…

Loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm có cồn (bia, rượu, cơm rượu,…) và các thực phẩm có cafein (cà phê, trà đặc, sô-cô-la, ca cao,…).

Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm, giúp tăng thải axit uric ra khỏi cơ thể.

Nội tạng động vật – Thức ăn tuyệt đối cần tránh ở người bệnh Gout

 2.2.  Nếu bạn là người bệnh từng được chẩn đoán bệnh Gout, hiện tại không có triệu chứng:

Chế độ ăn của bạn sẽ bớt nghiêm ngặt hơn người bệnh trong giai đoạn cấp tính, tuy nhiên tuyệt đối không chủ quan mà vẫn cần tuân thủ các hướng dẫn:

Loại bỏ hoàn toàn nhóm thực phẩm sau trong bữa ăn:

  • Nội tạng động vật (phá lấu, óc,…)
  • Thực phẩm thực vật tăng trưởng nhanh: nấm, măng tây, giá,…

Hạn chế các thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, hải sản, đậu đỗ.

  • Bạn chỉ nên dùng thịt trắng (thịt gà, thịt cá sông) thay cho thịt đỏ (thịt bò) và tần suất dùng các thực phẩm này chỉ nên < 3 lần/tuần với lượng vừa phải.
Dinh dưỡng cho người bệnh gout
Người mắc bệnh gout nên hạn chế nạp thực phẩm quá giàu đạm.

Chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày cần ưu tiên dùng nhóm chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật (dầu thực vật) thay cho chất béo bão hòa (mỡ động vật).

Nên dùng phương pháp chế biến hấp, luộc thay cho phương pháp nướng, chiên rán,…

Cần ưu tiên sử dụng các thực phẩm an toàn cho người bệnh Gout: ngũ cốc, trứng, sữa, phomat, rau quả,…

Dùng tối thiểu các thức uống có cồn và caffein. Mỗi tuần bạn chỉ có thể uống tối đa 3 ly bia 200ml.

Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm, giúp tăng thải axit uric ra khỏi cơ thể.

Dưới đây là bảng thống kê các loại thực phẩm theo mức độ nguy cơ ảnh hưởng trên người bệnh Gout

Thực phẩm nguy cơ rất cao Thực phẩm nguy cơ cao Thực phẩm an toàn
– Nội tạng động vật

– Cá sardine (cá mòi)

– Thực phẩm thực vật tăng trưởng nhanh: nấm, măng tây, giá

– Thịt nạc (gia súc, gia  cầm)

– Cá nạc

– Hải sản

– Đậu đỗ

– Bông cải, cải bó xôi

Ngũ cốc

Đường

Trứng

Sữa

Bơ, phomat

Rau quả

Hạt có dầu

3. Người bệnh gout nên lưu ý

Để giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa việc tái phát cơn đau của bệnh Gout, người bệnh cần có sự tuân thủ nghiêm ngặt việc kết hợp điều trị dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Sự cố gắng thay đổi thói quen ăn uống qua mỗi ngày rất có ý nghĩa trong việc cải thiện các triệu chứng và biến chứng về sau của căn bệnh này, đồng thời giảm thiểu khả năng bị tái phát trở lại.

Theo BS. Quốc Thái

Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường: Nên và không nên ăn gì? 

Tin liên quan

THAY ĐỔI CƠ THỂ NGAY HÔM NAY

Liên hệ để được đội nhóm tư vấn trực tiếp

Hotline

0984.641.264

Email

lmsgiambeochuanykhoa@gmail.com

Address

566 Lê Duẩn, Phường Eatam, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk

THAY ĐỔI CƠ THỂ NGAY HÔM NAY

Liên hệ để được đội nhóm tư vấn trực tiếp

Hotline

0984.641.264

Email

lmsgiambeochuanykhoa@gmail.com

Address

566 Lê Duẩn, Phường Eatam, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk