“Có nên sử dụng thuốc giảm cân không?” một câu hỏi phổ biến của người thừa cân, béo phì, những người đang tìm đến một phương pháp giảm cân hiệu quả. Chúng ta thường lên mạng và tìm thấy các lời đề nghị về thuốc giảm cân như một giải pháp tiện lợi, giảm cân nhanh chóng mà không cần nỗ lực nhiều. Vậy các loại thuốc giảm cân này hoạt động ra sao và có nên sử dụng thuốc giảm cân hay không? Hãy đọc tiếp bài viết sau của LMS – GIẢM BÉO CHUẨN Y KHOA nhé.
1. Thuốc giảm cân là gì?
Thuốc giảm cân là các loại thuốc uống với mục đích giúp bạn giảm cân thông qua một số hoạt động như giảm cảm giác thèm ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó khiến lượng calorie nạp vào cơ thể ít hơn khiến bạn giảm cân.
2. Thuốc giảm cân được khuyến cáo dùng cho đối tượng nào?
Những bệnh nhân có chỉ số BMI ≥ 30 hoặc BMI ≥ 27 ở những bệnh nhân có các biến chứng liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, đề kháng insulin, rối loạn lipid máu được khuyến cáo sử dụng thuốc giảm cân kết hợp với chế độ ăn thâm hụt năng lượng.

3. Cơ chế hoạt động của thuốc giảm cân là như thế nào?
Các loại thuốc điều trị giảm cân được cho phép sử dụng chia thành 2 nhóm:
3.1. Nhóm thuốc ức chế hoạt động của Lipase :
Nhóm thuốc này giúp giảm cân qua việc ngăn chặn quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo trong chế độ ăn và hạn chế năng lượng nạp vào.
Thuốc thuộc nhóm này là Orlistat (Xenical, Alli).

3.2. Nhóm thuốc ức chế thần kinh:
Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự thèm ăn, tăng cường cảm giác no khiến người sử dụng thuốc ăn ít lại, do đó hạn chế được năng lượng nạp vào để giảm cân.
Các thuốc thuộc nhóm này là Phentermine hoặc Qsymia.
Ngoài các thuốc giảm cân trên, có rất nhiều thuốc giảm cân không kê đơn hiện đang được lưu hành trên thị trường với cơ chế không rõ, chủ yếu là chứa các chất đã bị cấm (sibitramin, amphetamin), hoặc liều lượng cao, chứa chất gây nhuận tràng làm giảm hấp thu, tăng đào thải khiến cơ thể mất chất dinh dưỡng, mất nước rất nhanh dẫn đến kiệt sức, thậm chí tử vong.

4. Thuốc giảm cân có tác dụng phụ không?
Thuốc luôn là con dao hai lưỡi, ngoài tác dụng nhìn thấy là giảm cân thì sử dụng thuốc giảm cân còn gây ra các tác dụng bất lợi cho sức khỏe như sau:
Thiếu chất dinh dưỡng
Thuốc làm giảm hấp thu chất béo như Orlistat cũng làm giảm khả năng hấp thu các vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K.
Nhiều tác dụng phụ
Với cơ chế tác động lên thần kinh trung ương, thuốc có rất nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, chóng mặt, mất ngủ.
Phụ thuộc thuốc
Ban đầu việc sử dụng thuốc có thể giúp bạn bắt đầu giảm cân. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ thể bạn sẽ điều chỉnh và thuốc có thể kém hiệu quả hơn. Lúc này, bạn có thể cần phải tăng liều lượng để có được hiệu quả tương tự. Nhưng liều cao lại dễ gây ra các tác dụng phụ hơn.
Tăng cân trở lại sau khi ngưng thuốc
Theo khảo sát, có tới 80% trường hợp sau khi ngưng thuốc giảm cân có tình trạng tăng cân trở lại. Khi ngưng thuốc, tác dụng chống thèm ăn của thuốc không còn, cơ thể thiếu năng lượng sẽ kích thích bạn ăn thật nhiều để bù lại năng lượng. Lúc này nếu không kiểm soát sẽ rất dễ béo lại.
Rối loạn ăn uống sau khi ngưng thuốc
Sử dụng thuốc lâu ngày có thể khiến bạn tiếp tục chán ăn kể cả khi ngưng sử dụng thuốc. Tình trạng này rất nguy hiểm vì cơ thể không muốn ăn nữa sẽ không đủ năng lượng để sinh tồn. Hoặc cơ thể sẽ ăn rất nhiều mà rất khó kiểm soát.
5. Người thừa cân béo phì có nên sử dụng thuốc giảm cân không?
Sử dụng thuốc giảm cân mang lại rất nhiều tác dụng phụ có hại cho cơ thể, kèm theo sau khi ngưng sử dụng thuốc dễ bị tăng cân trở lại. Do đó KHÔNG NÊN sử dụng thuốc giảm cân. Giảm cân lành mạnh bằng cách kết hợp thay đổi thói quen ăn uống, chế độ ăn thâm hụt năng lượng cùng với chế độ luyện tập thể thao thích hợp sẽ đem lại kết quả an toàn và bền vững hơn so với việc sử dụng thuốc giảm cân.
Tuy nhiên với trường hợp không thể thay đổi thói quen ăn uống hoặc bạn vẫn muốn sử dụng thuốc giảm cân thì cần có sự phê duyệt của bác sỹ có chuyên môn và được theo dõi việc sử dụng thuốc.

6. Một số ví dụ điển hình về tác dụng phụ của thuốc giảm cân.
Ca sỹ Bích Phương chia sẻ:
“Năm 2015, Bích Phương nặng 53kg, cao 1m67, ngoại hình khá tròn trịa. Loay hoay tìm cách giảm cân, Phương đọc được phương pháp nào trên mạng hoặc ai chỉ cho cách gì cũng đều thử áp dụng, kể cả uống thuốc. Sau 20 ngày dùng thuốc, Phương đã giảm được 6kg như mong muốn, nhưng tác dụng phụ của thuốc khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng: cơ thể mất nước, mệt mỏi, chân tay bủn rủn, người như bị cảm…
Phương hỏi ý kiến bác sĩ thì được biết, thuốc giảm cân làm cho ta chán ăn, mất nước, mất sức nên cân nặng giảm nhanh nhưng tác dụng không bền và rất hại sức khỏe. Ngay khi dừng uống thuốc, cân nặng lại trở về như cũ, Phương quyết định chuyển sang tập gym và kiên trì ăn low carb”.
Nguồn: “Bích Phương Idol: Tôi từng lao đao vì thuốc giảm cân” – Tạp chí Đẹp (dep.com.vn)
Câu chuyện giảm cân của Hòa Minzy:
Khi mới bước chân vào showbiz, Hoà Minzy là ca sĩ có thân hình khá mũm mĩm với cân nặng lên tới 52kg trong khi chiều cao chỉ 1,55m. Thân hình tròn trịa quá mức khiến da cô bắt đầu bị rạn, vòng eo ngấn mỡ lắc rung theo nhịp nhạc, khiến cô không ít lần hoang mang khi nhìn lại hình ảnh của chính mình.
Cô ca sĩ trẻ quyết tâm giảm cân bằng mọi cách. Đầu tiên là uống thuốc giảm cân nhưng không mang lại hiệu quả, không giảm được kg nào. Hoà Minzy chia sẻ, loại thuốc giảm cân cô uống có mùi rất ghê, uống đến ngày thứ 5 là nôn mửa giữa đường. Khi uống thuốc giảm cân lại nhịn đói khiến cơ thể kiệt quệ, cồn cào ruột gan, không có sức làm việc nên cô quyết định dừng sau 5 ngày.
Nguồn: “Hoà Minzy hé lộ bí quyết không tập gym vẫn giảm 10kg và 17cm vòng eo theo cách cực đơn giản” (phunutoday.vn)
Hi vọng với những thông tin LMS đưa ra, bạn có thể hiểu thêm về thuốc giảm cân cũng như có câu trả lời cho mình về việc có nên sử dụng thuốc giảm cân không?
Theo Nguyễn Lâm
Xem thêm: Thực đơn giảm cân với khoai lang