Có nên dùng đường ăn kiêng để giảm cân?

Bạn đang cố gắng giảm cân, muốn giảm lượng đường và calo trong chế độ ăn uống của mình nhưng lại là một người yêu thích đồ ngọt, có thể bạn đang sử dụng hoặc đã được nghe nói về các chất tạo ngọt nhân tạo hay đường ăn kiêng. Chúng thường được giới thiệu như là một chất tạo ngọt với độ ngọt cao nhưng không tạo năng lượng vì thế mọi người có thể sử dụng rất nhiều mà không sợ tăng cân.

Nhưng không chỉ có vấn đề về năng lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của đường ăn kiêng là như thế nào? Có nên sử dụng đường ăn kiêng không? Hãy cùng LMS – Giảm Béo Chuẩn Y Khoa tìm hiểu qua bài viết này.

1. Chất tạo ngọt nhân tạo là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi có nên sử dụng đường ăn kiêng không? Chúng ta đi tìm hiểu xem chất tạo ngọt nhân tạo là gì nhé!

Chất tạo ngọt nhân tạo là các chất có vị ngọt cao hơn hàng trăm, hàng nghìn lần so với đường; được tổng hợp từ các chất hữu cơ, vô cơ trong nhà máy; thường được sử dụng thay thế cho đường để tạo ra vị ngọt cho các thực phẩm và đồ uống. 

Một số chất làm ngọt có chứa năng lượng nhưng vì độ ngọt của nó cao hơn nhiều so với đường thông thường nên lượng cần thiết để làm ngọt thực phẩm là rất ít và vì thế có thể được coi như là không chứa calo.

Chất tạo ngọt nhân tạo là gì

2. Có những loại đường ăn kiêng nào trên thị trường?

Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho phép sử dụng sáu chất làm ngọt nhân tạo để làm phụ gia thực phẩm: saccharin, aspartame, acesulfame potassium (Ace-K), sucralose, neotame và advantame.

  • Saccharin: ngọt hơn đường 700 lần. Được bán dưới các thương hiệu Sweet’N Low, Sweet Twin, hoặc Necta Sweet.
  • Aspartame: ngọt hơn 200 lần so với đường. Được bán dưới các thương hiệu NutraSweet, Equal, hoặc Sugar Twin. 
  • Acesulfame potassium: Còn được gọi là acesulfame K , nó ngọt gấp 200 lần đường. Nó phù hợp để nấu ăn và nướng và được bán với thương hiệu Sunnet hoặc Sweet One.
  • Sucralose: có độ ngọt gấp 600 lần đường, thích hợp để nấu, nướng và trộn với các loại thực phẩm có tính axit. Nó được bán dưới tên thương hiệu Splenda.
  • Neotame: Được bán dưới thương hiệu Newtame, chất tạo ngọt này ngọt gấp 13.000 lần đường và thích hợp để nấu ăn và làm bánh.
  • Advantame: Chất tạo ngọt này ngọt gấp 20.000 lần đường và thích hợp để nấu ăn và làm bánh.

Ngoài 6 chất tạo ngọt được cho phép, trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại rất nhiều những chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate – một loại đường nhân tạo không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam, vì loại đường hóa học này có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền… Cyclamate đã được chứng minh gây ung thư bàng quang cho chuột.

Chất tạo ngọt nhân tạo thường có trong các loại thực phẩm nào?

Chúng ta thường thấy các loại đường ăn kiêng được bán riêng lẻ để pha vào đồ uống như Equal, Splenda, Sweet’n Low,… hoặc các đồ uống có ghi trên nhãn là “lite”, “zero”, hoặc trong các loại kẹo singum không đường,…

Có một số nhãn hàng sẽ ghi rõ tên loại đường nhân tạo, nhưng có nhãn hàng chỉ ghi ký hiệu bằng số (950 – Acesulfame K, 951 – Aspartame, 954- Saccharin, 955 – Sucralose).

3. Ảnh hưởng của đường ăn kiêng (chất tạo ngọt nhân tạo) đến cơ thể

Gây nghiện đường.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể gây nghiện. Trong các nghiên cứu về những con chuột tiếp xúc với cocaine và saccharin, sau đó được đưa ra lựa chọn giữa cocaine tiêm tĩnh mạch hoặc saccharin uống, hầu hết đã chọn Saccharin.

Chất tạo ngọt nhân tạo có độ ngọt cao hơn hẳn so với đường thông thường. Việc kích thích quá mức các thụ thể đường do sử dụng thường xuyên chất tạo ngọt này khiến vị giác thay đổi. Có nghĩa là những thực phẩm thông thường như trái cây sẽ trở nên ít ngọt hơn, những thực phẩm lành mạnh như rau củ sẽ trở nên không còn ngon miệng nữa. Lúc này bạn sẽ dễ bị phụ thuộc vào đường ăn kiêng để cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn uống. Và kết quả là cơ thể bị nghiện đường ăn kiêng.

Ảnh hưởng đến hành vi ăn uống

Chất tạo ngọt nhân tạo có vị ngọt mạnh nhưng thiếu calo, chúng được cho là sẽ khiến não bộ nhầm lẫn, tưởng rằng được cung cấp đường cho tế bào nhưng trên thực tế lượng đường trong máu lại không tăng. Do đó não sẽ phát tín hiệu khiến cơ thể cảm thấy đói, cần phải nạp thức ăn để cung cấp năng lượng cho não. 

Ảnh hưởng đến đường huyết và nguy cơ gây bệnh Đái tháo đường type 2

Hormon insulin trong cơ thể do tuyến tụy tiết ra khi lượng đường trong máu tăng lên, giúp đưa đường vào tế bào để tạo năng lượng. Nhưng một lượng nhỏ insulin cũng được giải phóng trước khi đường đi vào máu. Phản ứng này được gọi là giải phóng insulin trong giai đoạn cephalic. Nó được kích hoạt bởi thị giác, khứu giác và hương vị của thức ăn, cũng như nhai và nuốt.

Chất tạo ngọt nhân tạo ảnh hưởng đến phản ứng insulin bởi vị ngọt lúc chúng ta ăn nó, kích hoạt giải phóng insulin trong giai đoạn cephalic, gây ra sự gia tăng nhỏ mức insulin. 

Sử dụng thường xuyên chất tạo ngọt nhân tạo làm tế bào đề kháng với insulin mà cơ thể sản xuất, dẫn đến cả lượng đường trong máu và lượng insulin tăng lên. Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh Đái tháo đường type 2.

Ảnh hưởng đến cân nặng

Bản thân đường ăn kiêng không cung cấp hoặc cung cấp cơ thể rất ít calo, tuy nhiên có những vấn đề sau đó lại ảnh hưởng đến quá trình giảm cân của người sử dụng. 

Vấn đề đầu tiên là vấn đề về tâm lý. Đối với những người chưa hiểu rõ về ăn uống, họ cho rằng giảm cân là kiêng đường, việc sử dụng đường ăn kiêng đồng nghĩa với việc họ đã giảm được calo từ đường và do đó họ có thể ăn thỏa thích. Điều này là sai và dẫn đến việc họ ăn quá nhiều, dẫn đến dư thừa năng lượng và không thể giảm cân.

Vấn đề thứ hai như đã nói ở trên là tế bào não bị nhầm lẫn khi chúng ta ăn chất tạo ngọt nhân tạo, khiến cơ thể có cảm giác đói và sẽ nạp đồ ăn vào. 

Đường ruột

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo có thể phá vỡ cân bằng vi khuẩn đường ruột, thay đổi các quá trình trao đổi chất tại ruột. Chẳng hạn, saccharin được phát hiện làm thay đổi loại và chức năng của hệ lợi khuẩn trong ruột, aspartame làm giảm hoạt động của một loại enzyme đường ruột.

Nếu thường xuyên ăn nhiều đường ăn kiêng, có thể gây suy giảm chức năng tiêu hóa, kích thích niêm mạc đường ruột, gây khó khăn cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng và khả năng kiểm soát lượng đường trong máu kém.

Ung thư

Đây là vấn đề được tranh cãi nhiều nhất về ảnh hưởng của chất tạo ngọt nhân tạo đến cơ thể. Đến nay, độ an toàn của chất tạo ngọt nhân tạo vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy nguy cơ ung thư bàng quang ở những con chuột sử dụng một lượng cực kỳ cao saccharin và cyclamate. Do đó đã cấm sử dụng 2 loại đường ăn kiêng này.

Tuy nhiên chủ đề này cũng đã được đánh giá bởi các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và Châu Âu. Cả hai đều đồng ý rằng chất làm ngọt nhân tạo khi được tiêu thụ với lượng khuyến cáo vẫn an toàn, không làm tăng nguy cơ ung thư. Kết quả là, nhãn cảnh báo cho saccharin đã bị bỏ, còn cyclamate vẫn bị cấm sử dụng. 

4. Có nên dùng đường ăn kiêng để giảm cân?

Chất tạo ngọt nhân tạo được xem là một chất sử dụng thay thế an toàn cho đường, về mặt năng lượng có thể nó cung cấp ít năng lượng hơn đường để hỗ trợ cho việc giảm cân nhưng nhiều bằng chứng cho thấy nó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Dù vậy tất cả vẫn đang còn cần phải nghiên cứu thêm, không ai biết rõ nguy cơ nếu bạn tiêu thụ chúng thường xuyên trong nhiều năm.

Bản chất đường ăn kiêng là một chất hóa học, với các cơ chế ảnh hưởng đến sức khỏe như đã nêu trên thì không nên sử dụng đường ăn kiêng. Cách an toàn nhất là giảm dần đồ ngọt trong chế độ ăn, bằng cách này cơ thể không bị phụ thuộc vào cảm giác ngọt như việc sử dụng đường ăn kiêng.

Tuy nhiên quyết định có tiêu thụ chúng hay không phụ thuộc vào từng cá nhân. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng chúng thì cần sử dụng với lượng an toàn theo thiết lập về lượng tiêu thụ hàng ngày được chấp nhận (ADI) do FDA công bố.

Theo Nguyễn Lâm

Xem thêm: Vai trò của chất xơ không hòa tan đối với sức khỏe

Tin liên quan

THAY ĐỔI CƠ THỂ NGAY HÔM NAY

Liên hệ để được đội nhóm tư vấn trực tiếp

Hotline

0984.641.264

Email

lmsgiambeochuanykhoa@gmail.com

Address

566 Lê Duẩn, Phường Eatam, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk

THAY ĐỔI CƠ THỂ NGAY HÔM NAY

Liên hệ để được đội nhóm tư vấn trực tiếp

Hotline

0984.641.264

Email

lmsgiambeochuanykhoa@gmail.com

Address

566 Lê Duẩn, Phường Eatam, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk