Dự trữ, bảo quản và rã đông sữa mẹ là những công việc quan trọng và thường xuyên của các mẹ bỉm sữa để đảm bảo cho bé có những bữa ăn ngon miệng và đầy đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết rã đông sữa đúng cách. Rã đông sữa mẹ không đúng cách không chỉ làm mất nhiều chất dinh dưỡng quý giá có trong sữa mẹ mà còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Vậy rã đông sữa như thế nào cho đúng cách? Cùng LMS tìm hiểu bài viết sau đây nhé.
1. Đối với sữa mẹ được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh
Trước khi sử dụng một ngày, mẹ nên cho sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát để rã đông trước. Hoặc mẹ có thể rã đông sữa trong một chậu nước, nhưng phải là nước đá lạnh.
Có 1 lưu ý nhỏ là khi sữa được chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát, mẹ để ý sẽ thấy một lớp vàng mỏng nổi trên mặt bình hoặc túi trữ sữa, đó chính là chất béo cần thiết trong sữa mẹ. Nhưng khi có hiện tượng kết tủa thành đám mây trắng đục thì sữa đã hỏng không thể sử dụng được, không đảm bảo chất lượng cũng như an toàn cho đường tiêu hóa của con.
Khi sữa đã chuyển sang dạng lỏng hoàn toàn, mẹ cần lắc nhẹ nhàng để lớp váng sữa nhiều chất béo và phần nước sữa trong được hòa đều với nhau. Sau đó mới thay nước ngâm sữa bằng nước ấm nóng để hâm tới nhiệt độ phù hợp cho con ăn.

Thêm 1 mẹo nhỏ cho mẹ: sữa mẹ trữ đông sau khi rã đông sẽ có mùi xà phòng, là ảnh hưởng của enzyme lipase. Mùi này chỉ có mẹ thấy rõ, hầu hết các bé vẫn ăn bình thường. Với những bé nhạy cảm không thích mùi đó thì mẹ có thể làm như sau:
- Thi thoảng mẹ nên rã đông 1-2 túi tập cho bé quen mùi vị.
- Để khử mùi này, mẹ có thể đun nhẹ sữa trên bếp, khi mặt sữa chỉ lăn tăn (chưa nổi bọt) là tắt bếp. Như vậy đảm bảo nhiệt độ chưa đến 70°C, sữa cũng được khử mùi đáng kể.
- Hoặc mẹ hâm sữa nhẹ và pha với sữa mới vắt.
2. Đối với sữa mẹ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Sữa được lấy từ ngăn mát ra, mẹ ngâm trong nước ấm 40°C cho đến khi đạt nhiệt độ phù hợp cho con ăn. Không nên ngâm sữa trong nước quá nóng vì sẽ làm mất vitamin và khoáng chất có trong sữa mẹ.
Các mẹ có thể sử dụng máy hâm sữa để tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
Lưu ý:
- Sữa mẹ sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh không thể cấp đông lại dùng tiếp.
- Sữa mẹ sau khi hâm nóng chỉ để ở nhiệt độ phòng tối đa 04 giờ.
- Loại bỏ sữa đông thừa nếu con không sử dụng hết sau 24h. Sau khi rã đông và hâm nóng sữa mẹ nên cho trẻ sử dụng trong vòng 2 giờ đồng hồ, con chưa ăn mẹ có thể để trong ngăn mát tủ lạnh, không nên để ở nhiệt độ phòng, thời gian lưu lại trong tủ lạnh không nên quá 24h.
- Sau 24h mẹ nên loại bỏ, tuyệt đối không pha sữa đông dư thừa với sữa mới vắt sử dụng lần ăn tiếp theo.

3. Những sai lầm mẹ hay gặp phải khi rã đông.
- Làm tan sữa mẹ ở nhiệt độ phòng: việc rã đông sữa mẹ ở nhiệt độ phòng sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào sữa mẹ.
- Rã đông sữa bằng lò vi sóng: vì sóng microwave, sóng điện từ và nhiệt độ cao sẽ phá hủy vitamin và kháng thể thiết yếu trong sữa, làm mất một phần chất đạm cũng như các dinh dưỡng quý báu khác. Hơn nữa, sữa quá nóng có thể làm bỏng miệng con.
- Lắc bình sữa rã đông: việc lắc mạnh sẽ làm mất đi tính năng của các kháng thể, protein giúp bảo vệ cơ thể bé. Cụ thể: các loại kháng thể như lysozyme, lactoferrin… sẽ phát huy tính năng kháng viêm nhiễm, hay chống hiện tượng sưng tấy niêm mạc của ruột chỉ khi chúng có đúng dạng cấu trúc ban đầu của phân tử. Việc lắc mạnh sữa sẽ làm đứt gãy thành bờ của amino axit, dù còn giá trị dinh dưỡng nhưng mất khả năng kháng thể.

Sau những công đoạn dự trữ và bảo quản sửa mẹ để có thể cung cấp được đầy đủ bữa ăn hàng ngày cho bé thì bước rã đông sữa mẹ lại là bước quyết định để con có thể được hưởng tối đa nguồn dinh dưỡng dồi dào từ mẹ. Rã đông sữa mẹ đúng cách tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực chất rất vất vả. Hy vọng sau qua bài viết này, mẹ sẽ có được những thông tin hữu ích để tránh mắc những sai lầm và đảm bảo cho con có được nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
Theo BS Thanh
Xem thêm: Vì sao nên nuôi con bằng sữa mẹ?