Tiêu chảy – một bệnh rất thường gặp trong mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF, có khoảng 2 tỷ trường hợp mắc bệnh tiêu chảy hàng năm trên toàn thế giới và 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng vì tiêu chảy mỗi năm, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Vậy bệnh tiêu chảy là gì? Các nguyên nhân dẫn tới bệnh tiêu chảy? Bệnh nhân tiêu chảy cần chế độ dinh dưỡng như thế nào? Bị tiêu chảy nên ăn gì để mau hồi phục? Cùng LMS – Giảm béo chuẩn y khoa tìm hiểu nha!
1. Bệnh tiêu chảy là gì?
Trước khi tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng, người bị tiêu chảy nên ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh thì bạn cần biết tiêu chảy là gì? Và nguyên nhân nào dẫn đến tiêu chảy.
Tiêu chảy là sự gia tăng tần suất, độ lỏng hoặc khối lượng của phân 1 được đặc trưng bởi thời gian (cấp tính hoặc mãn tính), cơ chế sinh lý bệnh và vị trí giải phẫu. Tiêu chảy được coi là cấp tính nếu nó kéo dài dưới 14 ngày và mãn tính khi nó kéo dài hơn 14 ngày.
2. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy?
2.1. Nhiễm trùng
Một nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất của bệnh. Thường gây ra bởi một loạt các sinh vật vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng, hầu hết lây lan qua nước nhiễm phân. Một số con vi khuẩn, virus điển hình như Rotavirus, Salmonella, tụ cầu, các loài Shigella, Clostridium,… Các tác nhân này sẽ xâm nhập vào đường ruột gây ra độc tố dẫn tới gây tiêu chảy.
2.2. Ngộ độc thực phẩm
Một số thực phẩm bị ôi thiu, nấm mốc,… do để quá lâu dẫn tới sinh sôi các mầm vi khuẩn hoặc các thực phẩm chưa được nấu chín, gia vị quá mức cho phép cũng có thể dẫn tới bệnh lý tiêu chảy.

2.3. Không dung nạp lactose
Lactose thường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Tùy vào tình trạng mỗi người mà có thể dẫn tới tiêu chảy do uống sữa có đường lactose.
2.4. Dùng thuốc kháng sinh
Thường do tác dụng phụ của một số thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh do thuốc có thể tiêu diệt các vi khuẩn xấu và vi khuẩn có lợi điều đó rất dễ dẫn tới mất cân bằng đường ruột từ đó gây tiêu chảy.
3. Bị tiêu chảy nên ăn gì? Chế độ ăn cho người mắc tiêu chảy?
Bị tiêu chảy nên ăn gì, uống gì? Hãy cùng LMS điểm qua những loại thực phẩm tốt cũng như nên tránh khi không may bị tiêu chảy nhé!
3.1. Những thực phẩm tốt cho bệnh nhân tiêu chảy
Thực phẩm giàu tinh bột : gạo, bánh mì, khoai tây
Nhóm thực phẩm này có hàm lượng chất xơ thấp và dễ tiêu hóa nên rất tốt cho người mắc tiêu chảy. Bạn nên chế biến thức ăn dạng lỏng rồi dần dần sang dạng đặc và nên chia thành nhiều bữa.
Một số thực phẩm chứa chất xơ hòa tan
Táo chứa nhiều chất xơ hòa tan giúp ngăn cản bài tiết đường ruột và làm giảm tình trạng tiêu chảy.
Một nghiên cứu của Golam H.Rabbani và cộng sự đã nghiên cứu rằng chuối xanh làm giảm đáng kể lượng phân, dung dịch bù nước uống, số lần nôn và thời gian tiêu chảy ở trẻ em. Trong chuối có nhiều kali có thể bù chất điện phân đã mất trong quá trình bị bệnh.

Sữa chua
Sữa chua là một dạng sữa lên men có chứa vi khuẩn Streptococcus thermophilus và L delbrueckii subsp. bulgaricus có lợi tốt cho cơ thể, giúp cân bằng đường ruột và đồng thời làm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể. Một phân tích trường hợp đầy đủ (tức là những người tham gia đã hoàn thành nghiên cứu) cho thấy rằng so với giả dược hoặc không điều trị, việc sử dụng men vi sinh làm giảm 64% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do kháng sinh ở người lớn và trẻ em. Ở trẻ em, sử dụng probiotic làm giảm nguy cơ tiêu chảy kháng sinh từ 5,9% xuống 2,3%.
Thực phẩm giàu protein như thịt gà,…
Gà là một thực phẩm giàu protein, calo, sắt, kẽm,… rất tốt cho hệ tiêu hóa của người bệnh. Tuy nhiên bạn nên tránh làm các món xào, chiên không chỉ với gà mà còn với các thực phẩm khác vì dầu mỡ có thể làm tăng tình trạng tiêu chảy.
Uống nhiều nước
Việc bổ sung nước là rất quan trọng cho bệnh nhân tiêu chảy vì khi bị bệnh, người bệnh sẽ bị mất nước điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nên bạn cần phải bổ sung nước ít nhất 2 lít mỗi ngày.

3.2. Một số thực phẩm nên tránh
Ngoài các thực phẩm nên ăn thì bạn cũng cần tránh một số thực phẩm dưới đây:
Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng: bắp cải, súp lơ, đậu, hành tây,…
Các loại thực phẩm này gây tình trạng đầy hơi, dẫn tới bệnh nhân cảm thấy khó chịu, làm giảm quá trình phục hồi bệnh.
Thực phẩm chứa nhiều đường
Trong đường có một số loại làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột dẫn tới tăng lấy nước từ tế bào vào ruột, từ đó là tăng tình trạng tiêu chảy.
Thực phẩm sống, tái sống: gỏi, nem chua, tiết canh,
Thực phẩm này thường chưa được chế biến chín hoàn toàn nên rất khó có thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn có hại trong thực phẩm vì vậy rất dễ các loại vi khuẩn, sán, ký sinh trùng từ thực phẩm này xâm nhập vào cơ thể có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy của bệnh nhân.

Thực phẩm từ sữa
Một số bệnh nhân bị tiêu chảy do không hấp thu lactose thì sữa và các sản phẩm từ sữa thì cần nên tránh
Thực phẩm ôi thiu, mốc
Một loại thực phẩm bạn nên tránh xa vì các loại thực phẩm ôi, thiu, mốc rất dễ hình thành các loại vi khuẩn có hại đặc biệt là cho đường ruột. Nên rất dễ gây tiêu chảy nếu bạn ăn phải.
Chất cồn như: rượu, bia, cafein
Cồn hay cafein đều là chất gây tăng kích thích bài tiết điều đó làm nghiêm trọng hơn vấn đề tiêu chảy. Ngoài ra chúng còn làm bào mòn niêm mạc ruột, làm chết các vi khuẩn đường ruột gây mất cân bằng đường ruột, từ đó cũng làm tăng tình trạng tiêu chảy.
Vì vậy để tránh làm tăng tình trạng tiêu chảy hay hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh thì bạn nên ăn và kiêng các thực phẩm trên.
4. Bị tiêu chảy nên ăn gì – Một số lưu ý khi chế biến thực phẩm
- Lựa chọn các thực phẩm đúng, sạch để cầm tiêu chảy
- Nên chia thành nhiều bữa nhỏ
- Ban đầu chế biến thức ăn ở dạng lỏng rồi sau đó dần dần thành dạng đặc.
- Cung cấp đầy đủ đa dạng các loại thực phẩm với khối lượng ăn từ từ tăng dần.
- Nên kiêng đúng các loại thực phẩm để có thể hỗ trợ và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng kéo dài.

5. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy.
Việc phòng ngừa mắc bệnh tiêu chảy rất quan trọng, bạn nên tuân thủ các điều dưới đây để có thể ngăn ngừa tối thiểu nguy cơ mắc bệnh:
- Bạn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng nhất trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn.
- Nấu đồ ăn chín kỹ, tránh các món chưa chế biến sạch sẽ và còn sống đặc biệt là thịt.
- Ăn uống, sinh hoạt và chế biến đồ ăn với môi trường nước sạch để tránh lây lan vi khuẩn gây bệnh từ nước.
- Tránh xa các loại thực phẩm đã bị ôi thiu hay nấm mốc và các thực phẩm mất vệ sinh.
- Đối với trẻ em nên tiêm phòng đầy đủ theo quy định.
Hiện nay, một số người vẫn còn chủ quan khi mắc phải tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Vì vậy ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị thì bổ sung thêm dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy là điều rất quan trọng để sớm phục hồi thể trạng của cơ thể. Ngoài ra bạn cũng nên tham khảo và tuân thủ tư vấn của bác sĩ để phù hợp với tình trạng bệnh.
Theo BS Đào Duyên
Nguồn tham khảo: Science Direct
Journal of Pediatric Gastroenterology and Nutrition
Xem thêm: Tính chỉ số BMI thế nào? Tính chỉ số BMI chuẩn 2021