Tác hại trước mắt khi ăn quá nhiều đường là gây ra mụn trứng cá, tăng cân, cơ thể luôn mệt mỏi. Về lâu dài, việc dùng quá nhiều đường sẽ gây ra các bệnh mãn tính chẳng hạn như đái tháo đường type 2 và các bệnh lý khác về tim mạch.
1. Ăn bao nhiêu đường được gọi là quá nhiều?
Theo các hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ, mọi người nên hạn chế lượng đường bổ sung dưới 10% lượng calo hàng ngày. Với lượng nạp 2.000 calo hàng ngày, thì đường bổ sung nên chiếm ít hơn 200 calo.
Tuy nhiên, vào năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên mọi người chỉ nên nạp một nửa số lượng này, nghĩa là không quá 5% lượng calo hàng ngày đến từ đường bổ sung. Đối với chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày, tương ứng tối đa là 100 calo, hoặc 6 muỗng cà phê.

2. Những nguy cơ khi ăn quá nhiều đường
Ăn nhiều đường gây sâu răng
Khi ăn đường vào, các vi khuẩn sống trong miệng sử dụng đường làm thức ăn. Khi tiêu hóa đường chúng thải ra axit, axit này làm mòn men răng. Lâu dần, sẽ tạo ra lỗ hoặc sâu răng. Những người tiêu thụ lượng đường lớn hoặc các thực phẩm có đường, đặc biệt các bữa ăn nhẹ hoặc thức uống ngọt có nhiều khả năng bị sâu răng.
Mụn
Những người uống đồ ngọt từ 7 lần trở lên trong 1 tuần có nhiều khả năng bị mụn trứng cá vừa và nặng. Khi giảm thiểu tiêu thụ đường làm giảm các yếu tố tăng trưởng giống insulin, androgen và bã nhờn, những yếu tố có thể góp phần gây ra mụn trứng cá.
Bệnh lý tim mạch
Những người nạp đường từ 17-21% lượng calo hàng ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh lý tim mạch cao hơn 38% so với những người chỉ tiêu thụ dưới 8% đường trong ngày. Đối với những người nạp đường hơn 21% trong ngày thì tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch tăng gấp đôi.

Tăng cân, béo phì, tiểu đường type 2, huyết áp cao, tim mạch, ung thư
Nạp quá nhiều đường dẫn đến các hormone kiểm soát cân nặng bị ảnh hưởng. Ví dụ hormone leptin – một loại hormone khi ăn no sẽ có vai trò gửi tín hiệu cho não bộ để ngừng ăn. Khi ăn nhiều đường có thể gây ra đề kháng leptin.
Điều này có nghĩa là càng lâu dài, chế độ ăn nhiều đường sẽ ngăn cản việc nhận biết con người đã ăn đủ hay chưa. Lâu dần dẫn đến ăn nhiều và tăng cân. Hormone khác bị ảnh hưởng, đó là insulin – là hormone điều hòa đường huyết, do tế bào beta tụy tiết ra.
Khi chúng ta nạp quá nhiều đường, tuyến tụy phải tăng tiết insulin để ổn định đường huyết. Tuyến tụy hoạt động nhiều sẽ làm suy giảm chức năng, là một trong nhưng nguyên nhân gây đái tháo đường type 2.
Lượng đường dư thừa trong chế độ ăn uống dẫn đến sự hình thành các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs – là các protein hoặc chất béo bị glycat hóa sau khi tiếp xúc với các đường.), có vai trò trong bệnh đái tháo đường.
Nếu chúng ta ăn nhiều chế phẩm chứa fructose, gan sẽ phải làm việc quá tải và chuyển hóa chúng thành chất béo.
Đây là nguyên nhân gây béo phì, tiểu đường type 2, huyết áp cao, tim mạch thậm chí là ung thư.
Lão hóa da
Các sản phẩm glycat hóa bền vững trong lượng đường dư thừa cũng ảnh hưởng đến sự hình thành collagen trong da, dẫn đến lão hóa da nhanh hơn bình thường.
Đường có mặt trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống. Tiêu thụ quá nhiều đường ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm mệt mỏi và tăng cân, nghiêm trọng hơn là các bệnh lý như bệnh lý tim mạch, tiểu đường type 2, ung thư….